Bí kíp có bữa cơm ‘ngon – bổ – rẻ’

Mẹo vặt trong nhà – Làm thế nào để có được một bữa ăn gia đình đầy đủ chất dinh dưỡng mà vẫn tiết kiệm trong thời bão giá luôn là một bài toán mà nhiều bà nội trợ phải đau đầu để tìm lời giải mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ cần các mẹ chịu khó một chút, để ý một chút, bài toán tưởng như hóc búa này sẽ được giải một cách dễ dàng.

Đi chợ đầu mối

Chợ đầu mối là nơi hàng hóa được tập trung trước khi phân phối tới các chợ lẻ, chợ dân sinh với giá bán sỉ. Mà đương nhiên, bán sỉ luôn rẻ hơn bán lẻ. Vậy nên, đi chợ đầu mối sẽ giúp cho các bà nội trợ có thể mua được thực phẩm tươi với giá thấp hơn bình thường khá nhiều. Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối tại Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, Hoàng Mai hay Long Biên, giá cả của các mặt hàng thực phẩm khi được bán tại đây đều thấp hơn khoảng 1/3 so với giá của thị trường bán lẻ. Trong khi đó, các chợ đầu mối ở TP.HCM như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cũng có mức chênh tương tự, nhiều lúc thậm chí còn hơn.

Có thể so sánh ra đây một số mặt hàng như cải bắp: 2.500 đồng/kg – 4.000, 5.000 đồng/kg, xà lách: 6.500 đồng/kg – 10.000 đồng/ kg, bí đỏ: 7.000 đồng/ kg – 9.000 đồng/ kg, cá rô: 30.000 đồng/ kg – 45.000 đồng/kg hay thịt ba chỉ 75.000, 80.000 đồng/ kg – 100.000 đồng, 120.000 đồng/kg.

Bí kíp có bữa cơm 'ngon – bổ - rẻ' - 1
Đi chợ đầu mối sẽ giúp cho các bà nội trợ có thể mua được thực phẩm tươi với giá thấp hơn bình thường khá nhiều. (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nếu muốn mua nguồn hàng giá rẻ từ chợ đầu mối, các mẹ phải chịu khó dậy sớm bởi thời gian họp chợ thường diễn ra từ 2h đến 6h sáng. Bên cạnh đó, có một số chợ đầu mối được họp tự phát, không ai quản lý, chính vì thế mà chất lượng mặt hàng cũng không hoàn toàn đảm bảo.

“Săn” thực phẩm rẻ ở siêu thị

Đóng vai trò bình ổn giá cả trong thời bão giá, các siêu thị lớn đã dần trở thành nơi các bà nội trợ tới lui mỗi ngày thay vì đi chợ. Nhìn chung, các mặt hàng ở đây đều đảm bảo và có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, nếu nắm bắt được quy trình hoạt động của siêu thị, các bà nội trợ còn có thể mua được thực phẩm rẻ hơn rất nhiều so với ngoài thị trường.

Ví dụ, hệ thống siêu thị Big C thường xuyên có những đợt giảm giá mạnh các mặt hàng thực phẩm vào cuối ngày. Tất nhiên, ở thời điểm này thì thực phẩm sẽ không được tươi cho lắm, nhưng bù lại giá cả rẻ vô cùng. Do tính chất công việc, hay đi làm về muộn nên vợ chồng anh Vinh (Chung cư 217 Nguyễn Đình Chiểu – TP.HCM) thường tranh thủ tạt qua siêu thị “gom” đồ cuối ngày trước khi về nhà. Anh chị cho biết nếu khéo lựa vẫn tìm được đồ ngon, mà lại tiết kiệm được một khoản kha khá.

Không những thế, các hệ thống siêu thị lớn cũng luôn phát động những chiến dịch khuyến mãi rầm rộ nhằm kích cầu. Mỗi đợt khuyến mãi như vậy thường kéo dài trong khoảng chục ngày với khá nhiều sản phẩm giảm giá. Đây luôn là cơ hội tốt để các bà nội trợ “săn” được hàng giá rẻ, không những để ăn ngay mà còn có thể tích trữ luôn cho những ngày sau. Cuối cùng, nếu đã xác định sẽ gắn bó lâu dài với siêu thị, các bà nội trợ cũng đừng quên đăng ký thẻ thành viên, trở thành khách hàng thân thiết. Việc đăng ký vô cùng đơn giản, mà ích lợi thì nhiều bởi các khách hàng thân thiết luôn được hưởng nhiều ưu đãi hơn khách bình thường.

Dùng hàng “xách tay”

Thực tế, thực phẩm ở quê luôn sạch và rẻ hơn rất nhiều so với thành phố. Đặc biệt là nguồn thực phẩm do các hộ gia đình tự nuôi trồng để phục vụ cho bữa ăn gia đình mình. Vậy nên các bà nội trợ có đầu mối cung cấp từ nguồn này thì không có gì tuyệt vời hơn.

Ăn theo mùa cũng là mẹo nhỏ giúp tiết kiệm mà vẫn đảm bảo bữa ăn ngon.

Chị Minh Hồng, quê Lâm Đồng nhưng hiện sống cùng chồng con ở TP.HCM. Thu nhập của vợ chồng chị chỉ ở mức trung bình, hầu hết chi phí điện nước, nhà cửa thì mỗi tháng cũng chỉ dư được khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình chị vẫn có thể sống khá thoải mái nhờ có nguồn cung cấp rau củ sạch và rẻ thân quen ở quê ngoại. Bằng cách này, khoản tiền trung bình phải bỏ ra cho một bữa ăn của chị giảm tới một nửa so với trước.

Cứ mỗi lần chị đặt hàng, rau củ lại được đóng thùng theo xe gửi về tận nhà chị. Số hàng “xách tay” này được chị trữ trong tủ lạnh ăn dần. Thậm chí, có những đợt ăn không hết, chị còn bán cho bà còn hàng xóm bù vào tiền chợ.

Mua hàng tại nguồn

Mua thực phẩm trực tiếp từ nguồn, vốn không qua nhiều đầu mối trung gian, cũng là một cách hiệu quả để các bà nội trợ tiết kiệm chi phí cho bữa ăn hàng ngày.

Là khách quen của một lò mổ nằm trong khu phố 13, ngã tư Phan Văn Trị – Nguyễn Oanh, nên chị Thu Lý (TP.HCM) vẫn thường lấy thịt bò ở đây với giá rẻ hơn ngoài thị trường khoảng 20.000 đồng/ kg. Hay như anh Huy Hoàng vẫn thường mua các trực tiếp từ những người câu cá trên sông Nhà Bè vì vừa rẻ, vừa tươi.

Ăn theo mùa

Ngoài việc tìm kiếm những địa chỉ tin cậy để mua hàng ngon, bổ, rẻ, chị Minh (chung cư Phú Mỹ Thuận, TP.HCM) đã chia sẻ một mẹo nhỏ để tiết kiệm, đó là thuận theo tự nhiên, ăn rau quả đúng mùa. Bởi những mặt hàng thực phẩm trái mùa do khan hiếm nên thường đắt một cách khó tin. Chưa kể, rau quả trái mùa còn rất dễ bị ủ thuốc. Ngoài ra, chị cũng khuyên các mẹ khác nếu có thời gian thì nên mua rau củ quả vẫn còn nguyên. Như vậy, vừa có thể xác định được chất lượng, lại vừa rẻ hơn ít nhiều so với những mặt hàng được sơ chế, gọt sẵn.

Từ khóa >> Sua  may lanh quan 3