Mẹo vặt trong nhà – Đã mất khá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị một bữa ăn đãi khách, mọi thứ gần như đã hoàn hảo. Thế nhưng, lỡ tay khi bỏ gia vị, nồi canh bị mặn mất rồi. Làm sao bây giờ? Những tình huống như thế này xảy ra cũng không… hiếm lắm. Xin hiến các bà nội trợ một vài mẹo vặt như sau:
Canh bị mặn: Nếu bỏ thêm nước thì sẽ làm giảm độ ngọt của canh, bạn có thể dùng một ít bột sắn dây hoặc bột đao cho vào một miếng vải sạch, buộc chặt lại rồi cho vào nồi canh. Bột sẽ hút đỡ chất mặn trong nước canh.
Chả giò cuốn bị chảy nước: cây chả giò (nem) sau khi cuốn bị chảy nước sẽ làm rách lớp bánh tráng bên ngoài, khi chiên chả giò sẽ bị bể, có thể khắc phục bằng cách: khi trộn nhân chả giò hãy cho vào một ít dầu ăn (1 hoặc 2 muỗng tùy lượng nhân).
Cốc thủy tinh bị dính khi xếp chồng lên nhau: nếu lấy mạnh tay có thể làm bể cốc và đứt tay, bạn hãy ngâm chiếc ngoài cùng vào nước ấm, chiếc cốc đó có thể được lấy ra một cách dễ dàng.
Khoai tây sau khi chiên bị mềm: Khoai chiên mà không giòn thì giống như khoai… không chiên. Muốn khoai tây chiên được giòn lâu, trước khi chiên sóc khoai với một ít muối, luộc sơ, để nguội rồi bỏ tủ lạnh khoảng 5-7 phút mới lấy ra chiên.
Tôm sống lột vỏ bị dính: Muốn không bị “hao” mất một lớp thịt tôm và con tôm khi nấu chín được đẹp, trước khi lột vỏ nên ngâm tôm vào nước hòa phèn chua trong khoảng 5 phút.
Bị ngứa tay khi gọt khoai: Một số loại khoai (khoai sọ, khoai môn) có thể làm người gọt khoai bị ngứa tay khi rửa, muốn hết ngứa hãy hơ tay lên bếp lửa hoặc rửa tay trong dung dịch nước ấm pha một chút dấm chua.
Hành lá nhanh hư và làm hôi tủ lạnh: Cách giữ: hành tươi rửa sạch, cắt thành từng đoạn, bỏ vào hộp nhựa có lót giấy ăn thấm nước xung quanh, đậy kín nắp hộp, để trong tủ lạnh.